Có lẽ mỗi người chúng ta chẳng còn xa lạ gì với cụm từ “môi trường” cùng các lời kêu gọi bảo vệ môi trường. Chúng xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông: báo đài, tivi,…, thậm chí ngay trong sách vở cũng đề cập tới. Vậy thực chất, bảo vệ môi trường là làm gì? Bộ luật mới nhất hiện nay quy định về vấn đề này là bộ luật nào?
Môi trường là gì?
Môi trường là một tổ hợp gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo. Chúng bao quanh con người, có ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất cũng như sự tồn tại, phát triển của cả con người và thiên nhiên.
- Môi trường tự nhiên gồm 4 thành phần chính: thạch quyển, thủy quyển, khí quyển và sinh quyển. Chúng tồn tại ngoài ý muốn nhưng lại tác động tới cuộc sống của con người.
- Môi trường nhân tạo gồm tất cả các yếu tố nhân tạo do con người tạo ra và bị con người chi phối. Như công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo, nhà ở,…
- Môi trường xã hội là mối quan hệ giữa người với người, chúng giúp định hướng con người theo một khuôn khổ nhất định nhằm mang lại sự phát triển thuận lợi. Như luật lệ, thể chế, ước định,…
Bảo vệ môi trường là gì?
Bảo vệ môi trường thực chất là các hoạt động cải thiện môi trường cũng như giữ cho môi trường được trong lành. Đồng thời, hành động này còn đảm bảo cho sự cân bằng hệ sinh thái, ngăn chặn, khắc phục những hậu quả mà chính con người đã gây ra cho môi trường. Cũng như khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Vì sao cần bảo vệ môi trường?
Chúng ta có thể thấy môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề từ môi trường đất, môi trường nước tới môi trường không khí. Chúng khiến cho trái đất xuất hiện hàng loạt các hiện tượng cực đoan như thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, mưa axit, mực nước biển dâng, sa mạc hóa,…
Sự nóng lên toàn cầu không chỉ làm nhiệt độ trung bình tăng lên mà còn khiến băng tan. Mực nước biển cũng từ đó tăng theo. Các cơn bão gia tăng, tầng ozon bị suy giảm,… Một số loài động, thực vật cũng từ đó mà bị tuyệt chủng.
Con người sinh sống trong điều kiện môi trường ô nhiễm cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Các căn bệnh về phổi, tim mạch, gan,… dễ dàng mắc phải hơn. Chính vì vậy, bảo vệ cho môi trường là điều cần phải làm và làm cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là trách nhiệm không phải của “ai đó”, không phải của tổ chức nào đó mà là của toàn xã hội, của tất cả mọi người.
Bảo vệ môi trường là làm gì?
Để bảo vệ cho môi trường, chúng ta cùng chung tay thực hiện các công việc sau:
- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các đồ nhựa, túi nilon,…
- Sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên, nguồn năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo.
- Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng, ưu tiên các sản phẩm tái chế.
- Áp dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào đời sống để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Trồng nhiều cây xanh, không chặt phá rừng.
- Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ cho môi trường.
- Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Không khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loại thực vật, động vật hoang dã quý hiếm.
- Không đưa các chất độc hại, nước bẩn, vi sinh vật chưa được kiểm định vào nguồn nước.
- Tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người.
Luật bảo vệ môi trường mới nhất
Để tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia đã có những biện pháp áp dụng khác nhau. Như biện pháp tổ chức – chính trị, biện pháp kinh tế, biện pháp giáo dục,… Và đặc biệt là biện pháp pháp lý thông qua các văn bản pháp luật.
Tính tới thời điểm hiện tại, bộ luật mới nhất quy định về vấn đề này là bộ luật số 55/2014/QH13. Trong luật có nêu rõ quy định về nguyên tắc bảo vệ về môi trường, những hành vi bị nghiêm cấm, các hoạt động được khuyến khích. Cũng như các quy hoạch, đánh giá hay việc ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc các quy định về bảo vệ biển, hải đảo, nước đất, không khí. Cùng hàng loạt các vấn đề khác liên quan tới môi trường.
Bảo vệ cho môi trường chính là cách bảo vệ cuộc sống của mình, là vấn đề sống còn của nhân loại. Khi thực hiện những hành động đơn giản hằng ngày như trên cũng đã chung tay góp sức cải thiện môi trường sống. Đây vừa là một trong những thái độ sống tích cực vừa thể hiện tính trách nhiệm với thế hệ mai sau của mình.